Bánh trôi là một món ăn quen thuộc mà bất kì ai cũng có thể làm, nhưng để có được một đĩa bánh trôi đầy tính bắt mắt thì cần có một chút biến tấu trong cách làm là chúng ta đã có được một đĩa bánh trôi theo ý muốn rồi. Cùng chợ quê khám phá xem cách làm được biến tấu như thế nào mà lại có được một đĩa bánh trôi lá cẩm lạ mắt nhé!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Bột bánh trôi (Bột nếp): 400g
Bột lá cẩm tím
Đường thốt nốt: 300g (làm nhân bánh chay)
Đỗ xanh không vỏ: 200g
Gừng: 1 củ
Muối, tiêu
Vừng rang và dừa nạo sợi

Cách làm bánh trôi lá cẩm 

Bước 1: Đỗ xanh vo sạch, ngâm nước có pha 1 muỗng cà phê muối qua đêm hoặc ngâm 2 tiếng. Sau đó, đổ hết nước ngâm, vo lại lần nữa rồi để nước xâm xấp mặt đỗ, nấu chín. Đỗ chín cho ra rổ, tải đều cho nguội bớt rồi cho vào máy xay xay mịn.

xay mịn đỗ xanh
Bước 2: Nếu thích nhân bánh có vị ấm nồng của tiêu thì nêm vào đậu 1 muỗng cà phê tiêu, sau đó nếm lại nhân, nếu nhân nhạt thì rắc thêm một chút xíu muối cho đậm đà rồi vo thành các viên nhân nhỏ cỡ bé hơn quả trứng cút. Sau khi vo xong nhân, dùng nilon bọc thực phẩm (wrap) bọc lại để nhân không khô. Nhân đậu sẽ dùng làm bánh trôi. Lấy 3 viên đường thốt nốt (khoảng 100g) cắt thành những viên đường nhỏ cỡ hạt lựu làm nhân bánh chay. Nếu bạn mua loại đường đã cắt sẵn thì bạn có thể bỏ qua bước này.

nặn nhân bánh
Bước 3: Pha bột lá cẩm tím:
Lấy một lượng bột vừa đủ, đem hòa với nước nóng già ở nhiệt độ >80 độ C
Khuấy đều tay và để 30 phút cho màu trong bột lá cẩm trôi ra hết tạo thành nước màu tím.
Lọc bỏ cặn bã lấy phần nước bột màu tím.
Bước 4: Chia bột nếp thành 2 phần bằng nhau, mỗi phần trộn thêm một chút muối. Với phần bột nếp muốn giữ nguyên màu trắng, ta dùng nước ấm để nhào thành khối bột dẻo mịn. Với phần bột nếp muốn nhuộm màu tím, ta lấy bát nước lá cẩm vừa làm ở bước trên, đổ vào phần bột nếp còn lại rồi cũng nhào.

chia bột thành 2 phần
Bước 5: Sau khi nhào xong 2 khối nếp, để riêng từng khối vào 2 chén khác nhau, bọc màng thực phẩm và để 20-30 phút cho bột nở đều sau đó mang bột ra chia thành từng viên nhỏ cỡ ngang với nhân vừa nặn ở bước 2, vo tròn ấn dẹp, đặt nhân vào giữa rồi bọc lại cho kín. Bột màu tím dùng bọc nhân đậu xanh làm bánh trôi. Phần bột màu trắng vo nhỏ hơn bọc viên đường làm bánh chay.

bọc kín nhân
Bước 6: Trong khi ve bột, đặt một nồi nước lên bếp. Khi đã vo xong bánh, đợi nước sôi thì nhẹ nhàng thả bánh vào. Không dùng thìa hoặc đũa khuấy vào nồi bánh luộc để bánh khỏi bị nát. Bánh chín sẽ tự nổi lên. Chuẩn bị sẵn bát nước lạnh. Bánh chín dùng thìa lỗ múc ra, cho ngay vào bát nước lạnh để bánh không bị dính và “đổ nhựa” khi ăn với nước đường.

vớt bánh chín vào 1 bát nước lạnh
Bước 7: Dùng một nồi khác, cho vào 1.5 lít nước, 200g đường thốt nốt, gừng gọt vỏ, thái sợi chỉ. Nấu nước đường đến khi sôi bùng lên thì vặn lửa nhỏ, để liu riu. Nếu muốn ăn ngọt hay nhạt hơn, có thể thêm bớt đường tùy ý. Thả bánh trôi lại vào trong nồi nước đường để bánh được nóng và ngấm mùi gừng, ăn sẽ thơm ngon hơn.

cho bánh vào nồi nước gừng
Bước 8: Múc bánh trôi ra đĩa hoặc bát, múc thêm nước đường cho vào tùy khẩu vị. Rắc lên trên ít vừng trắng rang, dừa nạo và gừng sợi là có thể dùng. Bạn có thể cho thêm chút nước cốt dừa vào bánh trôi ăn cùng cho thêm vị béo nhé!

Bánh trôi đã chín
Món bánh trôi đã xong rồi đó, chúng ta có thể ăn được luôn nhé!
Chúc các bạn thành công và ăn ngon miệng!

 

Sản phẩm ưu tiên

Nổi bật